Phỏng vấn xin việc và câu chuyện thương hiệu cá nhân

Phỏng vấn xin việc cần những kỹ năng gì?

Ai trong chúng ta cũng đã hoặc sẽ đối mặt dần dần với những cuộc phỏng vấn xin việc. Khi thì ở phía người phỏng vấn, khi thì ở vị trí ứng viên ứng tuyển. Là một cựu sinh viên khóa đầu tiên của chuyên ngành Quản trị thương hiệu – Đại học Thương Mại, mới ra trường được hơn một năm, tôi may mắn được trải nghiệm khá nhiều ở cả hai vị trí. Thế nhưng hôm nay tôi chỉ chia sẻ một chút kinh nghiệm của mình với vai trò là một ứng viên ứng tuyển. Đặc biệt là những sinh viên Quản trị thương hiệu, điều gì làm nên sự đặc biệt của các bạn với những sinh viên ngành khác.

Một bản CV ấn tượng kèm theo những thành tích đáng nể đủ để giúp bạn giành chỗ cho một cuộc phỏng vấn. Nhưng điều đó không chắc sẽ giúp bạn có được một công việc. Khi bạn đang ở trong chiếc ghế nóng phỏng vấn, đây là lúc bạn thực sự “bán” bản thân mình cho nhà tuyển dụng. Là một người xin việc, bạn đang bán thương hiệu cá nhân của bạn cho nhà tuyển dụng hy vọng họ sẽ trao cho bạn một vai trò trong tổ chức. Vậy là một sinh viên Quản trị thương hiệu, bạn áp dụng được những kiến thức và kỹ năng gì của mình để tạo dựng lợi thế “bán mình”?

Những kỹ năng quan trọng trong cuộc phỏng vấn xin việc

1. Xác định rõ “thị trường mục tiêu” và “khách hàng” của bạn

Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng. Hãy tìm hiểu về công ty bạn ứng tuyển. Tìm hiểu về ngành nghề hoạt động, ai là người có thể phỏng vấn bạn. Hãy tìm hiểu phong cách và văn hóa của họ. Hãy tìm hiểu những tin tức mới nhất. Bất cứ nỗ lực nào tìm hiểu về công ty đều sẽ trở nên hữu dụng trong cuộc phỏng vấn. Ít nhất công ty sẽ đánh giá cao về sự nghiên cứu của bạn, không có cảm giác rằng bạn đang “rải hồ sơ” khi ban hầu như không nói được chủ tịch hội đồng quản trị hay giám đốc của công ty đó là ai.

2. Hiểu rõ “thương hiệu cá nhân” của chính bạn

Các thương hiệu thành công nhất hiểu rõ về chính bản thân chúng. Điều này bao gồm mục tiêu, sứ mệnh và những giá trị cốt lõi. Tương tự như vậy, nhà tuyển dụng đang tìm kiếm những người hiểu và sống với thương hiệu cá nhân. Đây là thứ thể hiện rõ nét nhất niềm đam mê của một người. Hãy trình bày một cách rõ ràng và mạch lạc lý do bạn ứng tuyển vào vị trí này. Vị trí đó phù hợp với mục tiêu, khả năng của bạn như thế nào? Liệu các công việc phù hợp với bạn cả về mức độ tình cảm và lý trí? Liệu nhiệm vụ và công ty này có đồng bộ với những điểm mạnh và niềm tin của bạn không?

o-JOB-INTERVIEW-facebook

3. Nên là một “người kể chuyện” thông minh

Cũng như với việc quảng cáo thương hiệu, thuật kể chuyện là rất quan trọng trong một cuộc phỏng vấn. Hãy biến cuộc phỏng vấn thành một cơ hội để kể câu chuyện thương hiệu cá nhân của bạn. Hãy tưởng tượng. Hãy nhiệt tình. Trên tất cả, hãy trung thực và kể những câu chuyện có thể xác thực. Tuy nhiên, lời nói đôi khi chỉ là mớ lý thuyết sáo rỗng, hãy thể hiện những gì bạn nói. Sử dụng những ví dụ để minh họa cho câu chuyện bạn đang chia sẻ.

Ví dụ, khi bạn nói bạn có khả năng tổ chức và quản lý, nghe có vẻ hơi sáo rỗng, giống như bạn đang nói suông và khó thuyết phục. Nhưng nếu bạn nói bạn là chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà quản trị thương hiệu – Đại học Thương Mại chẳng hạn, hoặc bạn là một phần không thể thiếu trong một đội bóng đá, điều này còn có giá trị hơn nhiều so với chỉ nói rằng tôi là người có khả năng lãnh đạo và tổ chức. Hãy lựa chọn cách nói thông minh!

 4. Đừng quên “thư xin việc” ….

Một lần tôi đi phỏng vấn tại một công ty nhà nước, người phỏng vấn hỏi tôi “Tại sao CV của em rất đẹp, nhưng em lại không viết thư xin việc, một trong những lý do để nhà tuyển dụng hiểu được mục đích của em khi vào tổ chức?” Tôi trả lời rằng đó là vì tôi đã viết những điều đó  vào nội dung email tôi gửi ứng tuyển, thật may mắn cho tôi khi người phỏng vấn thứ hai nói rằng “chính vì những dòng “tâm thư” ấy mà chị ấy gọi tôi đi phỏng vấn, nhưng trong đa số các trường hợp, người phỏng vấn không phải là người nhận email”.

Quả thật, tôi muốn cốc đầu mình một cái, rõ ràng là những người chủ chốt sẽ chỉ nhận CV từ bộ phận tuyển dụng hoặc tương tự chứ không thể xem nội dung email của từng ứng viên. Rõ ràng, một thư xin việc đi kèm CV là điều cần thiết. Đừng quên điều đó!

 5…. và những lời giới thiệu

Thật sự thì khi các bạn học về thương hiệu, các bạn có luôn khắc cốt ghi tâm rằng “thương hiệu là những cảm nhận, đánh giá về bản thân mình nhưng trong con mắt của người khác”, của khách hàng chẳng hạn. Và khi đi xin việc thì rõ ràng bạn đang ứng dụng những kiến thức bạn được học để mà “bán thân” đúng không? Vậy thì thật tiếc cho bạn nào học Quản trị thương hiệu mà trong CV lại không có một vài lời nhận xét hay đánh giá về mình của những chuyên gia uy tín, như thầy giáo bộ môn, thầy cô trưởng khoa, hay sếp cũ của bạn chẳng hạn…

Bài viết này, tôi viết dành tặng trực tiếp cho sinh viên K47 Đại học Thương Mại, chuyên  ngành Quản trị thương hiệu khóa thứ hai. Chúc các em luôn may mắn khi phỏng vấn xin việc và tìm được con đường riêng cho mình!

Ngọc Anh Branding

Xem thêm:

Sinh viên năm hai đã cần đi thực tập chưa?

Cách xây dựng thương hiệu cá nhân