Tên thương hiệu có quan trọng không?
Tên thương hiệu sẽ đi cùng thương hiệu gần như mãi mãi, khắc sâu ấn tượng vào khách hàng. Vì vậy, tên thương hiệu trở thành một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Đặt tên thương hiệu cũng như đặt tên cho đứa con yêu của mình vậy. Cũng cần đau đáu, lo lắng, cân nhắc giữa bao nhiêu lựa chọn và kỳ vọng. Bạn muốn sau này những người xung quanh, bạn bè, thậm chí là kẻ thù của con bạn gọi con bạn bằng cái tên như thế nào?
Nhiều người khởi nghiệp nghĩ rằng việc đặt tên thương hiệu thật ra chẳng có gì phức tạp. Đó chỉ cần là một cái tên mình thích là quá ổn. Nhưng thực tế có phải như vậy không? Qua một chút kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được, mình sẽ chia sẻ một số tiêu chí nhất định nên thỏa mãn nếu bạn muốn thương hiệu của bạn có một cái tên “đẹp” ngoài việc thể hiện được tinh thần của thương hiệu.
Những lưu ý khi đặt tên thương hiệu
1. Hợp pháp
Đây là điều đầu tiên cần cân nhắc đến khi đặt tên thương hiệu. Nếu không thỏa mãn yêu cầu này thì tất cả những yếu tố sau đều không còn là vấn đề nữa. Giống như khi sinh một người con ra đời, chúng ta cần đi đăng ký khai sinh cho con vậy. Bạn cần kiểm tra xem tên thương hiệu của bạn đã có ai “ý tưởng lớn gặp nhau” chưa. Để kiểm tra thông tin rất dễ dàng, bạn có thể tra cứu tại Sở Kế hoạch đầu tư, Cục Sở hữu trí tuệ hay gõ thẳng cái tên ấy lên hỏi Google, bạn sẽ có ngay câu trả lời.
Vậy một tên thương hiệu như thế nào là hợp pháp? Để cho dễ hiểu, một tên thương hiệu hợp pháp là có tính Nhận biết và Phân biệt. Điều này giúp khách hàng nhận ra bạn và không bị nhầm lẫn thương hiệu của bạn.
2. Tên thông dụng – đặc thù ngành – trái ngành
Đã bao giờ các bạn tự hỏi tên thương hiệu “Apple” lại được bảo hộ trong khi đó là một từ ngữ rất đơn giản và phổ thông chưa? Và giả sử chưa có Apple, Inc. xuất hiện thì một người bán táo có được đặt tên thương hiệu của mình là Apple không? Vấn đề ở đây lại là tính phân biệt. Để có tính phân biệt, nhãn hiệu phải tự có khả năng phân biệt hàng hóa và dịch vụ. “Apple” (quả táo) là một nhãn hiệu có tính phân biệt ở mức độ cao cho sản phẩm máy tính, bởi vì nó không liên quan gì tới sản phẩm máy tính, nhưng nó lại không có tính phân biệt nếu được sử dụng đối với quả táo thực.
Nói cách khác, ai đó trồng và bán táo sẽ không thể đăng ký từ “apple” (quả táo) để làm nhãn hiệu và bảo hộ nó, bởi vì đối thủ cạnh tranh của anh ta có thể phải sử dụng từ này để mô tả hàng hóa của họ. Thế nên, tìm hiểu một cái tên trước khi lựa chọn nó là một điều rất cần thiết.
3. Đơn giản – dễ nhớ – dễ viết – dễ đánh vần – nên có ý nghĩa ẩn
Bạn có thể sẽ không quá nhớ những thương hiệu như Bỉm BINO, Mì Miliket, Tivi Plano. Nhưng sau khi bạn biết đằng sau chúng là những ý nghĩa thú vị như Bỉm Nội (BINO), Mì liên kết (Miliket), Phẳng là nó (Plano) thì có lẽ sẽ khó mà quên được những tên thương hiệu thú vị này phải không?
Tên thương hiệu càng nên đơn giản, dễ đọc, không gây nhầm lẫn, một câu chuyện tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại khiến mình rất khó hiểu. Có lẽ ai cũng biết Viettel, nhưng đã ai thử gọi điện cho tổng đài Viettel chưa? “Alo Việt theo abc xin nghe ạ”, “alo việt ten xyz xin nghe ạ”. Nói thật là đến thời điểm này mình cũng không còn chắc chắn là gọi là “Việt theo” hay “Việt ten” cho đúng. Hãy chắc chắn rằng tên thương hiệu của bạn chỉ nên có MỘT cách đọc thôi nhé 🙂
4. Think global – Do local
Mình lấy slogan của ngôi trường mình học để nói lên luận điểm này. Tên thương hiệu cần đáp ứng việc mở rộng thương hiệu khi thâm nhập ra ngoài lãnh thổ ban đầu, tên thương hiệu sẽ không bị hiểu lầm khi dịch ra một ngôn ngữ khác. Trong các loại sản phẩm, xe hơi thường mắc các vấn đề về dịch thuật nhất.
Khi người ta cười thầm với nhau về chiếc Chevy Nova của General Motors ở Châu Mỹ La tinh, gã khổng lồ xe hơi này hoàn toàn bỡ ngỡ cho đến khi có người nói với họ rằng trong tiếng Tây Ban Nha, “nova” có nghĩa là “không chạy được”. Ford cũng không thể tưởng tượng được chiếc Pinto của mình bị xa lánh ở Brazil, cho đến khi họ phát hiện ra Pinto có nghĩa là “dương vật nhỏ” trong tiếng lóng Bồ Đào Nha ở đây. Cách đây cũng khá lâu, người ta vẫn nghi ngại khi Omachi cho ra đời Mì tôm Omachi Sagami trong khi Sagami cũng là một thương hiệu nổi tiếng của Nhật về… bao cao su…
Thế đấy, một cái tên thương hiệu “đẹp” cũng có nhiều vấn đề phải nghĩ đúng không? Hy vọng các bạn có thêm 1 chút gì đó sau khi đọc bài chia sẻ của mình. Chúc các bạn sẽ có những tên thương hiệu trên cả tuyệt vời!
Đọc thêm: Những điều cần biết về logo trong xây dựng thương hiệu