Định hướng sản phẩm là gì?
Định hướng sản phẩm (Product concept) là bản định hướng chiến lược phát triển của sản phẩm. Nó là kết quả có được sau khi trải qua rất nhiều quy trình từ nghiên cứu, thẩm định và khoa học. Nói cách khác, nó như một bức tranh toàn cảnh về tương lai của sản phẩm. Khi nhìn vào, người ta có thể cảm nhận được sức sống cũng như tiềm năng của sản phẩm/vụ trong tương lai.
Tuy nhiên làm thế nào để từ rất nhiều thông tin nghiên cứu và thẩm định được, có thể cô đọng lại thành một bản Định hướng sản phẩm đơn giản, xúc tích, dễ hiểu mà vẫn đảm bảo đầy đủ thông tin là vấn đề không hề đơn giản. Trên internet cũng như các tổ chức đào tạo về kinh doanh có rất nhiều các “mẫu chuẩn” khác nhau. Tuy nhiên, mình xin dịch lại và thêm thắt một chút quan điểm cá nhân của mình nhằm tạo nên một công cụ hỗ trợ khi bạn phải viết một bản định hướng tiêu chuẩn với những câu hỏi và chỉ dẫn cụ thể.
I. Thành phần cốt lõi (không thể thiếu)
Khi mình tìm hiểu về các tài liệu về Định hướng sản phẩm, mặc dù về cách trình bày hay bố cục có thay đổi khác nhau nhưng chủ yếu nhất phải bao gồm hai phần không thể thiếu trong mọi product concept. Đó là mô tả sản phẩm và giá trị phân biệt của sản phẩm.
1. Mô tả sản phẩm
Phần mô tả sản phẩm chỉ đơn giản là trả lời câu hỏi : “Thương hiệu của bạn cung cấp cho người tiêu dùng những loại sản phẩm/dịch vụ nào?” Mô tả từng sản phẩm/dịch vụ một cách ngắn gọn nhất.
2. Giá trị phân biệt của sản phẩm
Ở phần này, bạn nên nhấn mạnh về vấn đề khách hàng mục tiêu sẽ nhận được những lợi ích gì từ sản phẩm/dịch vụ mà thương hiệu của bạn cung cấp trong khi những đối thủ khác của bạn không/chưa có? Cần phải hiểu rõ ràng rằng, những sản phẩm/dịch vụ thực sự mang lại giá trị cho người sử dụng thì mới có khả năng tồn tại và phát triển trong dài hạn. Đây chính là lý do tại sao khách hàng chọn bạn mà không phải là đối thủ cạnh tranh khác.
II. Các thành phần phụ (nên có nhưng không bắt buộc)
1. Lý do để khách hàng tin tưởng bạn
Có thể bạn đã đưa ra rất nhiều điểm khác biệt nổi trội của bạn so với đối thủ. Tuy nhiên, câu hỏi cần được trả lời là “Tại sao khách hàng nên tin tưởng vào những lợi ích mà thương hiệu của bạn hứa hẹn?”
Điều này hỗ trợ lý giải cho việc sự khác biệt thương hiệu của bạn. Nó thường sẽ là một phần quan trọng trong một Định hướng sản phẩm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, Định hướng sản phẩm có thể thuyết phục hơn nếu lý do để tin tưởng vào thương hiệu không trình bày một cách quá rõ ràng (Ví dụ như khi gắn liền với một thương hiệu hoặc một cá nhân nào đó).
2. Cảm nhận người dùng
Một định hướng sản phẩm luôn nên dựa vào góc nhìn của người sử dụng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cảm nhận người dùng có thể ở phần cuối của nghiên cứu khách hàng. Việc này nhằm cung cấp các dữ liệu cho các đề xuất thương hiệu/sản phẩm tiếp theo.
3. Thông điệp sản phẩm/slogan
Một thông điệp ngắn gọn và dễ nhớ, thể hiện tất cả những yếu tố đặc biệt trong một câu có thể làm cho các định hướng sản phẩm đơn giản, sống động và cực kỳ đáng nhớ.
4. Sử dụng hình ảnh
Các bức ảnh hoặc bản vẽ có thể giúp thể hiện trước những định hướng sản phẩm trên thực tế một cách tuyệt vời.
—–
Trên đây là những câu hỏi, cũng như thông tin nên có trong một product concept tiêu chuẩn. Chúc các bạn có thể tự viết nên cho mình những bản Tiêu chuẩn sản phẩm thật tuyệt vời…