Công thức thành công

Công thức để trở thành sinh viên thành công

Công thức để thành công là gì?

Thành công – từ khóa mỹ miều được tìm kiếm và hướng đến nhiều nhất trong giới trẻ hiện. Trong một tháng trở lại đây, tôi nhận được không dưới 300 câu hỏi và quan điểm về thành công khác nhau của các bạn sinh viên. Trong đó hầu hết các bạn đều muốn biết “Công thức để thành công” là gì?

Thật ra, công thức thành công rất đơn giản, đó chính là Không có công thức nào cả. Hầu như không có thành công nào giống với thành công nào trong cuộc sống của chúng ta cả. Vì sao vậy? Đó là vì định nghĩa thành công của mỗi người đã khác nhau. Có người thành công là nhà lầu xe hơi, có người là sức khỏe, có người lại là gia đình. Hơn thế nữa, điểm bắt đầu và nguồn lực của mỗi chúng ta lại khác nhau. Như vậy mục tiêu đã khác nhau, điểm bắt đầu đã khác nhau, nguồn lực cũng khác nhau luôn. Vậy công thức chung nào cho hàng triệu “sự thành công” trên thế giới?

Không, thành công không hề có công thức chung. Nếu bạn hỏi tôi về công thức của thất bại thì tôi có thể nói rõ ràng cho bạn, vì người ta ít khi có những thành công giống nhau, nhưng lại hay thất bại vì những lý do giống nhau. Vậy, hy vọng đọc đến đây các bạn đã hiểu rằng, không có công thức chung nào cho sự thành công cả. Chỉ có những câu chuyện thành công. Và bạn học được gì từ những câu chuyện ấy, lại là việc của bạn.

Câu chuyện của chính tôi

Thời sinh viên của tôi cũng tạm gọi là thành công. Đấy là theo cách nhìn chung của nhiều người, còn với cá nhân tôi có thành công hay không thì chỉ tôi mới biết. Tuy nhiên tôi vẫn muốn chia sẻ câu chuyện của bản thân mình để các bạn có thể nghe và học hỏi được điều gì đó. 

Điểm khời đầu của tôi không được “thành công” cho lắm. Tôi trượt Đại học nguyện vọng 1 và phải lựa chọn các Phương án để xét nguyện vọng 2. Duyên số đã đến khi tôi quyết định nộp hồ sơ vào Chuyên ngành Quản trị thương hiệu của Đại học Thương Mại. Một phần vì nó cũng hay, một phần là nếu tôi tốt nghiệp ngành này, tôi sẽ là khóa đầu tiên được đào tạo bài bản tại trường đại học về Thương hiệu trên cả Việt Nam. Một khi đã học về thương hiệu, tôi đã tự chắc chắn sau này mình sẽ làm về thương hiệu. Từ đây, câu chuyện bắt đầu.

Cậu sinh viên năm nhất

Năm thứ nhất, việc đầu tiên tôi chuẩn bị hành trang của mình là làm thẻ Thư viện quốc gia. Hồi ấy chỉ tốn có 60.000/năm. Ngoài học trên trường, mỗi tháng, tôi cố dành ra khoảng hai ngày cuối tuần để lên thư viện đọc sách. Tôi đọc tất cả sách về thương hiệu, tâm lý khách hàng, marketing hay truyền thông xã hội.

Hết năm học thứ nhất, tôi tự tin các đầu sách về thương hiệu viết bằng Tiếng Việt, hoặc được dịch ra Tiếng Việt tôi đều đã đọc qua. Tất nhiên là hồi ấy đầu sách chuyên môn chưa nhiều như bây giờ. Chỉ có khoảng hơn 30 đầu sách cơ bản, còn lại có rất nhiều sách với các ý trùng nhau.

Đó chưa chắc đã là một quyết định hay, vì nếu bây giờ bạn hỏi tôi bạn có nên đọc nhiều sách như vậy không, chắc là tôi sẽ khuyên là không. Vì sao ư? Vì kể cả tôi hồi đó, đọc thì nhiều nhưng ngấm chưa được bao nhiêu. Đầu óc non nớt của một cậu sinh viên năm nhất chưa đủ tầm tư duy để thấm nhuần được những kiến thức khổng lồ như vậy. 

Cậu sinh viên năm hai

Để khắc phục điểm yếu này, ngay lập tức sang năm học thứ hai, tôi lập ra một sự án kinh doanh tài liệu chất lượng cao. Mục tiêu chính là để áp dụng tất cả những gì tôi học được vào thực tế. Từ chính sách sản phẩm, marketing, định vị khác biệt đến chăm sóc sau bán, phát triển hệ thống phân phối… đều được tôi thực hành.

Và bạn có tin không, 6 năm trôi qua rồi, dự án này vẫn đang mang lại nguồn thu ổn định cho tôi mỗi tháng. Khi đó các kiến thức tôi đọc được hồi năm nhất trở nên rõ ràng, dễ hiểu và hữu ích hơn nhiều. Lúc này ngoài việc xây dựng quy chuẩn hệ thống để dự án tự chạy được, tôi bắt đầu tìm hiểu về thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu và các bài toán để phát triển thương hiệu.

Tôi bắt đầu đi làm dự án agency bên ngoài. Đầu tiên là nhận làm freelancer cho một vài agency về thương hiệu. Sau khi đã xây dựng được hệ thống mối quan hệ nhất định và nâng kỹ năng của mình, tôi bắt đầu liên hệ trực tiếp được với khách hàng.

À, một điều cực kỳ nên chú ý, tôi không làm tất cả một mình đâu nhé. Tôi xây dựng nên một nhóm làm việc cùng nhau, hồi đó tên là Kul Studies Group. Hiện tại là “Tổ chức phát triển tài năng sinh viên – ICE Group”. Nếu bạn muốn đi nhanh, hay đi một mình, còn nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng đồng đội.

Cậu sinh viên năm ba

Năm thứ ba và kỳ đầu tiên năm thứ tư, mục tiêu lúc này của tôi là làm đẹp CV. Tôi tự tin và kiến thức và kỹ năng của mình, nên tôi nói là “tìm việc” chứ không phải “xin việc”. Rõ ràng là tôi không cần phải đi xin việc làm. Tôi tìm việc phù hợp với mình để gắn bó và cống hiến.

Để làm được điều đó, tôi cùng các bạn trong nhóm đã tham gia các cuộc thi từ nhỏ đến lớn. Từ IP Challenger của Đại học Ngoại Thương, Secret Brand của Học viện Ngân Hàng, Hành trình vì khát vọng Việt của Tập đoàn Trung Nguyên đến Chương trình Khời nghiệp Quốc gia của VCCI tổ chức. Trong tất cả trận đánh, chúng tôi đều có những thành tựu nhất định. Sang kỳ hai năm thứ tư, tôi hoàn thành khóa luận tốt nghiệp của mình. Đồng thời, tôi đứng TOP 5 Chương trình đào tạo lãnh đạo nguồn của VNP Group. Tôi đã tìm được công việc yêu thích của mình khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tổng kết

Trên đây là câu chuyện “thành công” của tôi. Tôi tạm gọi là thành công vì tôi đã có trách nhiệm với đời sinh viên của mình. Tôi đã vạch ra kế hoạch từ đầu và luôn đi theo kế hoạch đó. Vì thế tôi chẳng mấy khi bị lạc đường. Tôi hy vọng sau khi đọc những dòng tâm sự của tôi, bạn cũng sẽ tự rút ra được bài học nào đó. Từ đó, bạn có thể hoạch định chiến lược của bản thân. Và một ngày đẹp trời nào đó, tôi nhận được tin nhắn “em cũng thành công rồi, anh Ngọc Anh ơi :)”

Ngọc Anh Branding,

Xem thêm:

Sinh viên năm hai đã cần đi thực tập chưa?

Phỏng vấn xin việc và câu chuyện thương hiệu cá nhân

Yếu tố giới hạn bản thân