Sinh viên năm hai đi thực tập

Sinh viên năm hai đã cần đi thực tập chưa?

1. Thực tập cho sinh viên năm hai?

Một lần, mình nhận được một tin nhắn cụ thể từ một em sinh viên năm hai chuyên ngành quản trị thương hiệu, Đại học Thương Mại “Sinh viên năm hai như chúng em thì đã nên đi thực tập chưa?”. Nghĩ lại thấy thời gian qua cũng nhiều người hỏi mình thế mà chưa có thời gian nói cụ thể, hôm nay mình sẽ chém gió về vấn đề này vậy

2. Nên hay không nên thực tập từ năm hai?

Sinh viên năm hai đã nên đi thực tập chưa? Nên, mà cũng chưa nên.

Tại sao nên? Đi thực tập sẽ cho các em sinh viên rất nhiều kinh nghiệm thực tế, và tư duy thực tế. Điều này giúp các em biết cách áp dụng các kiến thức đã học trên giảng đường. Nhiều người nói các nhà tuyển dụng bây giờ vô lý, sinh viên vừa ra trường đã đòi hỏi kinh nghiệm, không cho làm thì kinh nghiệm ở đâu ra?

Đâu phải cứ ra trường đi làm mới gọi là kinh nghiệm. Các bạn hoàn toàn có thể tích lũy kinh nghiệm trong quá trình học. Thay vì ngồi than vãn thì hãy nhớ câu “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Sao mình không tích lũy kinh nghiệm từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường? Vậy kinh nghiệm ở đâu ra? Là lao đầu vào làm việc, thực tập. Cái “nên” nó ở chỗ ấy.

Vậy tại sao không nên? Bởi vì với các bạn sinh viên trẻ, nhiệt huyết có thừa nhưng kinh nghiệm và kỹ năng xác định công việc phù hợp còn hơi yếu. Để tìm được một công việc mà tránh “tiền mất tật mang” cũng không phải đơn giản. Công nhận là đi làm, đi thực tập thì các em có thêm kinh nghiệm. Nhưng kinh nghiệm ấy có giúp gì được cho mục tiêu của các em không thì đó lại là một vấn đề khác.

Nếu sau này các em có mục tiêu về quê phát triển nông nghiệp thì rõ ràng việc thực tập trong công ty sắt thép, bê tông sẽ không đạt hiệu quả cao. Chưa kể đến trường hợp rơi vào kinh doanh đa cấp thì thôi rồi.

3. Kết luận

Vậy vấn đề ở đây là gì? Vấn đề là các em phải xác định thật rõ ràng mục tiêu dài hạn của các em là gì? Và dùng hết tài nguyên, công sức để làm, để thực tập CHỈ NHỮNG VIỆC PHỤC VỤ CHO MỤC TIÊU ẤY MÀ THÔI, tránh mất công, mất sức không cần thiết. Hơn nữa, khi các em xác định được mục tiêu rõ ràng và hết mình vì mục tiêu ấy, các em sẽ không bao giờ đi lạc đường.

Đọc thêm: Yếu tố giới hạn bản thân

Chúc các em thành công và tìm ra con đường của chính mình!

(Ngọc Anh Branding)

P/s: Bài viết theo quan điểm cá nhân, gạch đá xin nhận