Nhớ tên khách hàng – thủ thuật xây dựng thương hiệu
Nhớ tên khách hàng? Tại sao chúng ta cần quan tâm đến vấn đề này? Trong quá trình Khởi nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc các cá nhân kinh doanh, những giải pháp Xây dựng thương hiệu chi phí thấp luôn có được sự ưu tiên nhất định trong danh sách những thủ thuật cần áp dụng ngay từ đầu. Một trong những thủ thuật Xây dựng thương hiệu chi phí thấp, thậm chí không tốn chi phí, đó chính là nhớ tên khách hàng.
Ứng dụng của việc nhớ tên khách hàng
Đầu tiên hãy lục lại trí nhớ của bạn, đã bao giờ bạn bước vào một cửa hàng, một quán nhỏ bán đồ điện tử, hay chỉ là một gánh hàng rong ven đường và thay vì những câu chào anh, chào chị như thường gặp, bạn được người bán hàng, nhân viên niềm nở chào bạn bằng đúng tên riêng? Cảm giác của bạn khi đó thế nào? Hẳn là bạn sẽ khá bất ngờ, thậm chí có một chút thích thú. Điều đó đã tạo nên một điểm cộng không nhỏ trong tâm trí của bạn cho doanh nghiệp.
Hầu như ai cũng vậy. Nhu cầu gần như cao nhất trong tháp nhu cầu của Maslow chính là được tôn trọng, quan tâm. Như vậy đủ thấy nếu chúng ta cũng nhớ tên được từng khách hàng sẽ thuận lợi cho công việc đến nhường nào.
Không chỉ trong kinh doanh, trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy. Sẽ thật tuyệt khi chúng ta có thể nhớ hết tên của tất cả bạn bè chỉ sau một lần gặp. Ta sẽ tạo được thiện cảm rất lớn cho đối phương khi họ thấy được sự quan tâm và tôn trọng từ người khác. Vấn đề đặt ra là trí nhớ của chúng ta hầu như không tốt đến vậy. Phải làm sao để chính bản thân chúng ta, hay nhân viên của chúng ta có thể nhớ tên từng khách hàng trong quá trình hoạt động?
Thực tế áp dụng trong doanh nghiệp
Trong quá trình tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của mình, tôi từng tư vấn cho một Trung tâm Tiếng Anh về phương pháp này. Thật bất ngờ, hiệu quả bán hàng của các bạn ấy tăng gần 250% chỉ sau 2 tháng. Trung tâm Tiếng Anh này hoạt động theo mô hình mời các bạn học viên tiềm năng đến tham gia Hội thảo/sự kiện tại trung tâm rồi chia nhóm tư vấn khóa học.
Vấn đề mà trung tâm tiếng Anh gặp phải
Ngay khi tham gia buổi tư vấn nhóm thứ hai, tôi đã nhận thấy một vấn đề nhỏ. Mặc dù các bạn học viên tiềm năng đã giới thiệu tên mình trong buổi hội thảo, nhưng có lẽ do số lượng các bạn khá đông (50-70 người) nên đến khi tư vấn nhóm, hầu hết các tư vấn viên không nhớ được tên của học viên. Mật độ tư vấn viên trên học viên tiềm năng khoảng 1:3 đến 1:4. Nhưng trung tâm lại xếp nhóm 10-12 học viên tiềm năng cùng 3-4 tư vấn viên. Điều này giúp các bạn Sales có thể hỗ trợ nhau tốt hơn. Lý do vì có những bạn tư vấn viên mới, có thể nắm chưa chắc thông tin. Kinh nghiệm và kỹ năng chốt Sales cũng khác nhau nên xếp nhóm để hỗ trợ qua lại.
Làm thế nào để biết tên của khách hàng?
Trước khi nhớ tên khách hàng. điều đầu tiên cần làm là lấy tên học viên đó. Có rất nhiều cách để lấy tên một khách hàng tiềm năng. Có thể trong quá trình check-in, để các bạn tự giới thiệu về bản thân trong Hội thảo cũng là một cách rất thông minh. Tuy nhiên, đây mới là vấn đề. Khi 50-70 học viên mới toanh giới thiệu tên cùng một lúc, việc ghi nhớ toàn bộ là không thể. Nhưng “chia để trị” lại phát huy hiệu quả rất tốt trong trường hợp này.
Mỗi bạn tư vấn viên sẽ được phân công nhớ tên 3-4 bạn khác nhau. Tiếp đó họ khéo léo xếp các bạn mình nhớ tên vào cùng một nhóm tư vấn sau hội thảo. Từ đó, việc ghi nhớ lại thành công mỹ mãn. Rồi sau đó, khi tư vấn nhóm, chỉ cần một bạn khởi đầu bằng việc gọi trực tiếp tên riêng của ai đó. Ví dụ như “Nhung thấy mình thích Giao tiếp hay TOEIC hơn?” thì tất cả các bạn còn lại trong tổ tư vấn đề đã biết tên Nhung. Lúc này việc ghi nhớ 10 cái tên dễ dàng hơn nhiều so với 50-70 cái tên trong Hội thảo.
Xem thêm:
Đột phá cạnh tranh bằng mô hình kinh doanh
Sơ đồ quyết định mua hàng của khách hàng – Mô hình AIDA cải tiến